Đại diện Lefaso cho biết hiện lạm phát toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ, EU khiến các đơn hàng của ngành da giày sụt giảm, khó khăn này được dự báo sẽ kéo dài đến quý II/2023. Do vậy, các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường Việt Nam có FTA.

Đến quý II/2023, xuất khẩu da giày mới khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt 21 tỷ USD, vượt qua mốc 20,7 tỷ USD của cả năm 2021. Dự kiến năm 2022, ngành này thu về kim ngạch xuất khẩu khoảng 25 tỷ USD.

Tại tọa đàm “Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) từ đầu quý IV đến nay, lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng da giày.

Đặc biệt ở các các thị trường xuất khẩu chính như thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, lạm phát khiến sức mua của người tiêu dùng giảm, tồn kho cao với các mặt hàng thời trang, ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng và lao động của ngành da giày.

Bà Xuân cho rằng đến dự kiến hết quý II/2023, ngành da giày mới bắt đầu có những tín hiệu khả quan. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, đơn hàng giảm, các doanh nghiệp da giày sẽ phải tìm kiếm thêm các nguồn cung nguyên liệu, thị trường mới và cố gắng tận dụng tốt các thị trường có FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Đơn cử như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã hỗ trợ tốt cho xuất khẩu da giày của Việt Nam. Sau khi EVFTA có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020, tỷ trọng thị trường EU được nâng từ 22% lên 26% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của da giày Việt Nam.

Thậm chí trong hai năm vừa qua, ngành da giày bị chịu tác động của đại dịch COVID-19, hầu như xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường đều có sự suy giảm. Tuy nhiên nhờ EVFTA, ngành da giày vẫn duy trì được xuất khẩu vào thị trường EU.

“9 tháng đầu năm 2022, mức độ tăng trưởng của thị trường EVFTA khá tốt với mức độ 15% và hầu như mức độ tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường trong khối EVFTA đều tăng ở mức 15 – 20%. Hiệp định EVFTA đóng vai trò lớn trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày”, bà Xuân khẳng định.

Đại diện Lefaso cho rằng muốn phát triển những dòng giày có hàm lượng giá trị gia tăng cao cần phải tập trung thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu về da thuộc.

Do đó, các địa phương cần mở rộng phát triển vùng nguyên liệu này với những công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường và đáp ứng được các tiêu chí.

Mặt khác, cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế vì với EU, hiện nay doanh nghiệp vẫn chủ yếu gia công, chưa có được hàm lượng giá trị gia tăng tốt và cũng chưa chủ động trong đổi mới sáng tạo để tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn.

Quy định mới của hiệp định EVFTA từ 1/1/2023 

Thông tin về những quy định mới ở thị trường EU, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết từ ngày 1/1/2023, cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EVFTA sẽ hết hiệu lực và cơ chế chứng nhận xuất xứ đối với hàng đi EU sẽ phải theo quy định của hiệp định này.

Cụ thể, những lô hàng có trị giá từ 6.000 Euro trở xuống thì doanh nghiệp sẽ thực hiện tự chứng nhận xuất xứ đối với những lô hàng đó, không cần phải có văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương.

Còn đối với những lô hàng trên 6.000 Euro thì doanh nghiệp sẽ thực hiện nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EUR.1 trong khuôn khổ EVFTA đối với các lô hàng xuất khẩu đi EU.

“Không phải cứ hàng từ 6.000 Euro trở xuống thì bắt buộc phải tự chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp hoàn toàn có quyền.

Trong trường hợp nếu như doanh nghiệp vẫn muốn có chứng từ C/O EUR.1 thì doanh nghiệp vẫn nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ đối với những lô hàng dưới 6.000 Euro trở xuống, tương tự như hồ sơ mà đề nghị cấp đối với lô hàng trên 6.000 Euro”, bà Hiền nói.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có hệ thống lưu trữ chứng từ, hồ sơ để phòng trường hợp cần xác minh xuất xứ, hậu kiểm.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng việc thay đổi GSP với những doanh nghiệp từng xuất khẩu thành công vào thị trường EU không có nhiều khó khăn bởi các quy định về yêu cầu xuất xứ thì cũng khá tương đồng.

Tuy nhiên với những doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào thị trường xuất khẩu thì cần phải nắm bắt các quy định, thủ tục về chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi theo các cam kết của EVFTA.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *