Mức cước giao ngay tuyến Châu Á – Bắc Âu đã tăng 24,2% trong tuần trước, lên 2.948 USD/TEU và tăng 28,9% trên tuyến Châu Á – Địa Trung Hải, lên 3.073 USD/TEU.
Mức cước Á-Âu tiếp tục phá kỷ lục
Theo Chỉ số cước vận chuyển container Thượng Hải (SCFI) được công bố vào ngày 11/12, mức giá cước giao ngay trên tuyến từ châu Á sang châu Âu tiếp tục phá kỷ lục cách đây vài tuần, một chuyên gia vận tải cho rằng giá cước vận tải trọn gói (all-in) cho container 40 feet trên tuyến Á-Âu sẽ vượt mức 10.000 USD trong tuần này.
Dữ liệu của SCFI cho thấy mức cước giao ngay trên tuyến vận chuyển Châu Á – Bắc Âu đã tăng 24,2% trong tuần trước, lên 2.948 USD/TEU và tăng 28,9% trên tuyến Châu Á – Địa Trung Hải, lên 3.073 USD/TEU.
Trong 10 tuần qua, cước vận tải đến Bắc Âu và Địa Trung Hải đã tăng hơn 150%.
Cước vận tải trên hầu hết các tuyến vận chuyển đã tăng vọt trong những tháng gần đây, với chi phí và khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa liên tục xuất hiện trên tiêu đề các phương tiện truyền thông, thậm chí nhiều cơ quan quản lý trên thế giới đã được các doanh nghiệp trong nước yêu cầu điều tra về tình trạng giá cước tăng cao.
Xu hướng giá cước tăng mạnh được cho là sẽ có lợi cho các hãng tàu khi các cuộc đàm phán hợp đồng bắt đầu được khởi động lại cho năm tới.
Lars Jensen từ công ty tư vấn hàng hải SeaIntelligence Consulting còn cho rằng, trong một số trường hợp SCFI đang thể hiện mức giá thấp đáng kể so với thực tế các chủ hàng phải trả vì có các khoản phí khác liên quan đến khả năng đáp ứng đối với thiết bị container và chỗ trên tàu.
Với việc các cơ quan quản lý đang theo dõi chặt chẽ, nhóm vận động hành lang của các hãng tàu đã gợi ý rằng rất ít doanh nghiệp vận chuyển có khả năng giải quyết những khó khăn của chuỗi cung ứng toàn cầu trong những tháng gần đây.
Trong thông cáo “Đánh giá khủng hoảng hàng hóa COVID”, Hội đồng vận tải thế giới có trụ sở tại Washington DC đã tuyên bố: “Không ai có thể lường trước các mức giá cước đang gây căng thẳng cho mạng lưới vận tải container hiện nay, vì nhu cầu thay đổi không giống như bất kỳ thời kỳ nào trong quá khứ.”
Trước chỉ trích không cung cấp đủ container rỗng cho các nhà xuất khẩu, nhóm vận động hành lang phản bác: “Bây giờ không phải là lúc để đưa ra sự thay đổi lớn cho hệ thống hoặc quy trình (vận chuyển container). Thách thức đối với tất cả các bên là tìm cách làm cho hệ thống hiện tại hoạt động tốt hơn.
Điều này đòi hỏi liên lạc liên tục giữa các nhà cung cấp dịch vụ và các chủ hàng, và các hãng tàu phải nhận ra phần trách nhiệm họ phải góp trong đó. Nó cũng có nghĩa là tránh các hoạt động chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn, chẳng hạn như booking ảo, không trả container đúng cảng, hoặc giữ container như một giải pháp lưu trữ.
Hệ thống sẽ trở lại trạng thái cân bằng, và chúng ta phải làm tốt hơn công việc quản lý qua giai đoạn khủng hoảng.”
Các hãng tàu container – và cụ thể là các Liên minh hãng tàu – dự kiến sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn trong vài tháng tới.
Theo: Phaata