Cùng với sự phát triển 75 năm của ngành Hải quan, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa của ngành Hải quan, tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua biên giới, đồng thời tăng cường thực thi pháp luật đảm bảo an ninh, chủ quyền lợi ích kinh tế quốc gia. Những thành tựu đạt được của Hải quan Việt Nam ngày hôm nay có đóng góp không nhỏ của đội ngũ làm công tác đối ngoại, quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế của Tổng cục Hải quan.
Hợp tác quốc tế- 26 năm một chặng đường

Từ mô hình quản lý hải quan truyền thống, đến nay Hải quan Việt Nam đã có những đổi thay căn bản trong quản lý, áp dụng các mô hình xử lý thông quan tự động, các thiết bị hải quan hiện đại đến các kỹ thuật nghiệp vụ hải quan tiên tiến, tiếp cận tri thức của thế giới về hải quan… Kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của toàn ngành Hải quan mà công tác hợp tác và hội nhập quốc tế đóng vai trò cầu nối quan trọng.

Năm 1994, trong bối cảnh Hải quan Việt Nam vừa gia nhập Hội đồng hợp tác Hải quan – CCC (nay là Tổ chức Hải quan Thế giới –WCO), vừa mới đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 3 trong vai trò là quan sát viên của ASEAN và đặc biệt là đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để chính thức gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Phan Văn Dĩnh đã ký ban hành Quyết định số 170/TCHQ-TCCB ngày 05/8/1994 thành lập Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Tổng cục Hải quan (tiền thân Vụ Hợp tác quốc tế sau này).

Việc ban hành Quyết định đã cho thấy tầm nhìn sâu rộng của lãnh đạo Tổng cục Hải quan trong việc nắm bắt, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ hải quan tiên tiến trên thế giới, từng bước đưa các kỹ thuật nghiệp vụ, thông lệ hải quan tiên tiến và đồng thời tìm tòi nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý hải quan hiện đại của thế giới để vận dụng vào điều kiện quản lý nhà nước về Hải quan trước bối cảnh hội nhập của đất nước.

Năm 2002, sau khi Tổng cục Hải quan sáp nhập vào Bộ Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế hoạt động theo Quyết định số 1018/QĐ-BTC ngày 11/5/2010; Quyết định số 2054/QĐ-BTC ngày 12/8/2010 bố sung Quyết định số 1018/QĐ-BTC và Quyết định số 1048/QĐ-BTC ngày 16/5/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Hải quan.

Trải qua 26 năm trưởng thành, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan từ bước tiếp cận, đến chủ động và nâng cao hình ảnh, vị thế của Hải quan Việt Nam trên thế giới và trong khu vực.

Giai đoạn 1994-2014, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành đã được triển khai một cách tích cực và chủ động. Quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế cũng như quá trình đàm phán, triển khai thực hiện các cam kết quốc tế đã đưa Hải quan Việt Nam từ vị trí ngập ngừng học hỏi sang vị thế chủ động hội nhập, tranh thủ được nguồn lực, sự ủng hộ của cộng đồng hải quan thế giới để hiện đại hóa Hải quan Việt Nam, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời bảo vệ được lợi ích quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Việc hội nhập đã tạo ra bước chuyển cơ bản trong công tác quản lý hải quan từ hoạt động thủ công sang phương thức quản lý hải quan hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế từ cơ sở pháp lý (Luật Hải quan năm 2014) đến các nghiệp vụ hải quan hiện đại (quản lý rủi ro, thông tin tình báo, Trung tâm chỉ huy, hệ thống máy soi container…) đến các hệ thống quản lý hiện đại như VNACCS/VCIS; VASSCM… khẳng định được định hướng hiện đại hóa cho giai đoạn mới.

Giai đoạn này, Hải quan Việt Nam đã từng bước có sự hợp tác song phương và đa phương sâu rộng với hải quan quốc tế và trong khu vực. Một loạt các hiệp định, thoả thuận hợp tác chung, hợp tác chống buôn lậu đã được ký kết và thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý hải quan.

Trong công cuộc cải cách hiện đại hóa Hải quan, hợp tác song phương giữa Việt Nam – Nhật Bản được coi là điểm sáng. Hải quan Nhật Bản không ngừng hỗ trợ Hải quan Việt Nam trong các Dự án tăng cường năng lực, viện trợ các trang thiết bị kỹ thuật… Một trong những biểu tượng cho sự hợp tác giữa cơ quan Hải quan 2 nước là Hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Hải quan Việt Nam đã chính thức được đưa vào vận hành sử dụng từ ngày 1/4/2014 đem lại đột phá lớn trong khâu nghiệp vụ Hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Từ sự hợp tác này, Hải quan Việt Nam đã có sự hợp tác thiết thực trong việc học hỏi kinh nghiệm nghiệp vụ, mô hình thông quan, quản lý, tổ chức bộ máy, đào tạo, hiện đại hóa hoạt động hải quan… tại các quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Giai đoạn 2015-2020công tác hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hải quan  đã được định hướng và triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất gắn liền với việc triển khai Kế hoạch chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 và Kế hoạch hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2015-2020.

Giai đoạn này, hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành hải quan đã đạt được những chuyển biến sâu sắc và kết quả rõ nét thông qua các hoạt động hợp tác song phương đa dạng, đi vào chiều sâu, tập trung vào các nước trọng điểm, có quan hệ đối tác chiến lược/toàn diện với Việt Nam; hợp tác đa phương hiệu quả, thực chất; hoạt động hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài đảm bảo tính thiết thực, đáp ứng đúng nhu cầu phát triển nội tại của ngành hải quan và hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình cải cách và hiện đại hóa của ngành Hải quan.

Song song với các hoạt động hợp tác song phương đã được duy trì ổn định với các nước có mối quan hệ truyền thống như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, Tổng cục Hải quan đã triển khai  tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với hải quan các nước là đối tác/đối tác chiến lược/kinh tế thương mại quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh, Ý, Nga, Hà Lan, Úc, Niu Di-lân, Hàn Quốc… thông qua các hoạt động hợp tác trao đổi, thu thập thông tin, đào tạo nâng cao nghiệp vụ và việc trao đổi đàm phán ký kết các Hiệp định/Thỏa thuận/bản ghi nhớ hợp tác hải quan song phương. Các thỏa thuận quốc tế và điều ước quốc tế đã tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác và trợ giúp lẫn nhau về các vấn đề hải quan không chỉ tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước mà còn hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Hải quan Việt Nam đã chủ động và tiến hành hội nhập sâu rộng trong khuôn khổ các thể chế đa phương trên cả cấp độ tiểu khu vực khu vực và thế giới như ASEAN, APEC, ASEM, GMS, WTO; tích cực tham gia vào quá trình đàm phán và triển khai các Hiệp định thương mại tự do đa phương thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực… Quá trình hợp tác đa phương của Hải quan Việt Nam dần được chuyển hóa từ việc tham gia thực thi cam kết, nghĩa vụ thành viên sang việc chủ động tích cực tham gia vào việc định hình cơ chế, thể chế hợp tác và luật chơi trên các diễn đàn đa phương với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định.

Định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025

Giai đoạn 2020-2025, hoạt động hợp tác quốc tế của Ngành ngày càng đi vào chiều sâu, công tác hợp tác quốc tế đòi hỏi những chuyển biến mới, thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính, hài hòa hóa và hiện đại hóa hải quan.

Trong giai đoạn 2020-2025, các hoạt động hợp tác, hội nhập hải quan sẽ tiếp tục đi vào phát triển về chiều sâu, với việc triển khai một loạt các cam kết hội nhập hải quan khu vực và quốc tế như ASEAN, ASEM, APEC, WTO, WCO, các cam kết theo các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, RCEP cũng như cam kết hợp tác với một số đối tác song phương quan trọng gồm Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan, Trung Quốc…

Đặc biệt trong bối cảnh quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang được hết sức quan tâm, cùng với việc Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký và sẽ có  hiệu lực triển khai trong năm 2020 sẽ là dấu mốc mở ra các hoạt động hợp tác trao đổi thông tin thực chất và thường xuyên hơn giữa hai nước.

Công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan giai đoạn 2020-2025 sẽ tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực chất công tác hợp tác và hội nhập của Hải quan Việt Nam, xây dựng hình ảnh Hải quan Việt Nam đẹp, chuyên nghiệp trên trường quốc tế, có vị thế và vai trò được khẳng định trên các diễn đàn hội nhập đa phương.

Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác song phương với các nước nhằm tận dụng tối đa thế mạnh của các nước trong việc hỗ trợ thực hiện các nhu cầu thực tiễn của Hải quan Việt Nam.

Bên cạnh đó, tận dụng nguồn hỗ trợ về đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực chuyên môn, tiến tới cọ sát và đáp ứng được các yêu cầu làm việc tại các tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, thực chất và hiệu quả các cam kết quốc tế đa phương và song phương, tham mưu đề xuất gia nhập, đàm phán xây dựng các chuẩn mực hải quan hiện đại, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới trong lĩnh vực hải quan vào thực tiễn tại Việt Nam; tiếp tục tìm kiếm và khai thác tối đa nguồn viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan hiện đại và cơ sở hạ tầng trang thiết bị phục vụ công tác quản lý hải quan hiện đại.

* Thành tích nổi bật về hợp tác quốc tế của Hải quan Việt Nam những năm qua

*Về hợp tác đa phương

Để thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh an toàn quốc gia, trong những năm qua, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác hải quan trong các khuôn khổ, diễn đàn hợp tác đa phương. Việc tham gia vào các tổ chức này đã giúp nâng tầm vị thế của Hải quan Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổ chức Hải quan thế giới (WCO)

Ngày 01/7/1993 đánh dấu một dấu mốc rất quan trọng khi Hải quan Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Hợp tác Hải quan (CCC), nay là Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Kể từ khi gia nhập, Hải quan Việt Nam đã tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ các hoạt động hàng năm của WCO. Với tư cách thành viên WCO, Hải quan Việt Nam đã khẳng định quyền và nghĩa vụ của mình tại Diễn đàn hải quan quốc tế lớn nhất này, có điều kiện tiếp cận với các hải quan thành viên WCO để học hỏi kinh nghiệm, hợp tác trảo đổi thông tin nghiệp vụ.

Từ tháng 6/2013, Tổng cục Hải quan đã chính thức có cán bộ làm đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO. Năm 2018, Hải quan Việt Nam đã có cán bộ đại diện vào vị trí kỹ thuật của Ban tạo thuận lợi thương mại và tuân thủ của WCO. Đây là bước tiến mới của Hải quan Việt Nam, khẳng định vai trò, vị trí, tiếng nói của hải quan Việt Nam tại WCO, tạo ra một kênh tiếp cận trực tiếp, nhanh chóng các thông tin, khuyến nghị, chuẩn mực quốc tế.

Năm 1997, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về Đơn giản hóa và Hài hòa hóa thủ tục hải quan (gọi là Công ước Kyoto) và đến năm 2008, Việt Nam đã gia nhập Nghị định thư sửa đổi Công ước Kyoto.

Năm 1998, Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Công ước HS).

Năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý gia nhập Công ước Istabul của WCO về Tạm quản hàng hóa. Việc gia nhập Công ước này đánh dấu nỗ lực của Tổng cục Hải quan trong việc nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ về việc gia nhập Công ước và khẳng định nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong tăng cường hội nhập quốc tế và thực hiện các thông lệ quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho thương mại.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Việt Nam là thành viên chính thức của WTO ngày 07/11/2006. Theo đó, Hải quan Việt Nam đã tham gia thực hiện các cam kết của WTO liên quan đến hải quan như Hiệp định chung về thuế quan và thương mại ( GATT), các Hiệp định về quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, Hiệp định về tạo thuận lợi thương mại (TFA) và các Hiệp định, Thỏa thuận khác liên quan đến xuất nhập khẩu và Hải quan.

Đáng chú ý, năm 2015 sau khi Việt Nam đã phê chuẩn và ký kết Hiệp định TFA với những cam kết về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan. Việc ký kết Hiệp định góp phần tạo căn cứ pháp lý quốc tế để đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với mục tiêu đặt ra tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kể từ sau khi Hiệp định FTA có hiệu lực, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm thực thi các cam kết của Hiệp định bằng việc nội luật hóa văn bản, xây dựng Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP)… nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi cam kết của Hiệp định.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Trong khuôn khổ hợp tác Hải quan ASEAN, Hải quan Việt Nam luôn thành viên tích cực trong việc thực hiện các chương trình sáng kiến hợp tác hải quan khu vực. Bên cạnh việc tham gia xây dựng và thực hiện các  Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan ASEAN (SPCD); Cơ chế một cửa ASEAN; Cơ chế quá cảnh hải quan ASEAN; Hiệp định Hải quan ASEAN mới; xây dựng và rà soát Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) trên phiên bản HS cập nhật, Hải quan Việt Nam còn tham gia sâu rộng trong các chương trình hợp tác với các nước đối thoại và đối tác của ASEAN như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc-New Zealand, Mỹ trong việc hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ hải quan.

Năm 1995 và năm 2004, Hải quan Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 3 và lần thứ 12. Tháng 6/2014, Hải quan Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23.

Ngày 08/9/2015, Việt Nam chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 31/7/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 200 TTHC của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 3,2  triệu hồ sơ của khoảng 40 nghìn doanh nghiệp.

Đối với cơ chế một cửa ASEAN, toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 2/2019. Tính đến ngày 31/7/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là gần 168 nghìn C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là hơn 251 nghìn C/O.

Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC)

Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của APEC năm 1998, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương APEC, chủ yếu thông qua Tiểu ban Thủ tục hải quan APEC (SCCP) và Ủy ban Thương mại và đầu tư APEC (CTI).

Hải quan Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan xây dựng chương trình hành động quốc gia, thực hiện các cam kết và trong khuôn khổ Kế hoạch hành động tập thể – CAP và cử cán bộ tham gia các hội thảo, phiên họp chương trình đào tạo nghiệp vụ do APEC tổ chức; tích cực chủ động tham gia các phong trào, chiến dịch do các thành viên APEC đề xuất.

Hải quan Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công các cuộc họp hải quan Năm APEC 2006 và 2017. Đặc biệt, thành công của SCCP APEC 2107 là việc đưa ra được kế hoạch hành động cụ thể của SCCP trong các năm tới với các hoạt động cụ thể, có tính khả thi cao đã góp phần nâng cao vai trò của Hải quan Việt Nam trên diễn đàn APEC và rút ngắn khoảng cách, khác biệt, tăng cường tính kết nối giữa các cơ quan hải quan và thúc đẩy thương mại trong khu vực.

Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM)

Tháng 3/1996, Hải quan Việt Nam tham gia diễn đàn hợp tác Á Âu với tư cách là thành viên sáng lập. Nhiệm vụ của Hải quan Việt Nam trong diễn đàn là (1) Xây dựng kế hoạch và biện pháp khắc phục các rào cản thương mại, (2) Phối hợp hành động và tạo thuận lợi đầu tư.

Kể từ khi tham gia, Hải quan Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động của Diễn đàn. Việt Nam đã đăng cai tổ chức Cuộc họp Nhóm làm việc về các vấn đề hải quan lần thứ 4 và Ngày Hải quan – Doanh nghiệp tại Hà Nội năm 2010.

Năm 2019 đánh dấu bước tiến quan trọng của Hải quan Việt Nam trong hợp tác ASEM với việc chủ trì tổ chức và điều hành thành công Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan ASEM lần thứ 13 với sự tham gia của 53 cơ quan Hải quan thành viên từ các nước châu Á và châu Âu. Đây là Hội nghị có quy mô lớn nhất của Diễn đàn ASEM trong lĩnh vực hải quan và cũng là Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức. Thông qua Hội nghị, Hải quan Việt Nam đã khẳng định vai trò chủ động và tham gia tích cực trong hợp tác hội nhập quốc tế, nhất là trong việc kết nối hai Châu lục Á, Âu để điều phối xử lý các thách thức chung đối với khu vực châu Á và châu Âu với mục tiêu xây dựng cơ quan hải quan hiện đại và chuyên nghiệp. Hội nghị đã thành công tốt đẹp thể hiện qua việc thông qua Kế hoạch hành động hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021 và Tuyên bố Hạ Long, đồng thời đảm bảo được các yêu cầu về lễ tân đối ngoại, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế.

Chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mê kông mở rộng (GMS)

Chương trình (GMS) nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại 6 quốc gia vùng sông Mê kông gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Myanma và Thái Lan thông qua việc tăng cường các mối liên kết kinh tế giữa các quốc gia.

Được khởi xướng năm 1992, mục đích của Chương trình GMS nhằm xây dựng một tiểu vùng phát triển thịnh vượng, hội nhập và đồng đều. Hoạt động quan trọng nhất là việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi Vận tải cho người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng sông Mê kông mở rộng (CBTA- có hiệu lực năm 2003), góp phần thúc đẩy vận chuyển người và hàng hóa xuyên biên giới giữa các nước tiểu vùng.

Liên quan đến việc triển khai bước đầu CBTA, các Bên liên quan thống nhất thực hiện Mô hình Một cửa, một lần dừng tại các cặp cửa khẩu. Tại Việt Nam, các cặp cửa khẩu được xác định để triển khai mô hình là: Lao Bảo – Danhsavanh; Lào Cai – Hà Khẩu; Mộc Bài – Bà Vẹt. Việc triển khai mô hình 1 cửa 1 lần dừng tại cặp cửa khẩu Danhsavanh và Lao Bảo từ tháng 6/2005 đến nay đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.

* Về hợp tác song phương

Hải quan Việt Nam luôn duy trì việc mở rộng quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau với các nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực. Từ mối quan hệ truyền thống với các nước, Hải quan Việt Nam đã mở rộng hợp tác bình đẳng về lợi ích với tất cả các nước thông qua việc việc đàm phán, ký kết và triển khai các văn kiện hợp tác song phương với gần 40 Điều ước và Thỏa thuận quốc tế với hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Điển hình như việc ký kết các Hiệp định về hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước gồm: Hàn Quốc (năm 1995); Mông Cổ (năm 2003); Belarus (năm 2008); Ucraina (năm 2010); Liên bang Nga (năm 2010); Ấn Độ (năm 2015); Azerbaijan (năm 2015); Italia (năm 2015); Hà Lan (năm 2019); Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (năm 2019).

Trong năm 2019, việc ký kết Hiệp định với Hoa Kỳ là dấu mốc quan trọng trong việc tạo nền tảng pháp lý cho mối quan hệ chính thức và cơ chế hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan hải quan nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ của hai cơ quan hải quan. Đặc biệt trong bối cảnh quan hệ kinh tế thương mại  giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng tăng như hiện nay, các hoạt động hỗ trợ và hợp tác giữa hai Bên theo Hiệp định sẽ đem lại những đóng góp thực chất cho công tác đấu tranh chống các hoạt động gian lận, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua lãnh thổ của một bên nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Các Thỏa thuận hỗ trợ và hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam với các Bộ gồm: Bộ Tài chính và kinh tế Pê – ru (năm 2011) về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan Hải quan; Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ về hợp tác nhằm ngăn chặn việc vận chuyển bất hợp pháp vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ (năm 2010); Bộ Tài chính Lào về  trao đổi thông tin và hỗ trợ điều tra trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và gian lận thương mại (năm 2014); Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc về việc thực hiện Chương trình Kiểm soát Công-ten-nơ (năm 2015); Bộ Nội vụ Vương quốc Anh thực hiện thông qua Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh về hợp tác chung, phát triển và xây dựng kỹ năng tri thức liên quan đến lĩnh vực hải quan (năm 2019).

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan còn ký kết các Thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước gồm: Trung Quốc (năm 1993); Campuchia (năm 2007), Pháp (năm 2009), New Zealand (năm 2010), Australia ( năm 2011); Italia (năm 2012), Xu đăng (năm 2012), Ác-hen-ti-na (năm 2012), Hong Kong – Trung Quốc (năm 2013), Cuba (năm 2013); I ran (năm 2014).

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn ký kết rất nhiều thỏa thuận hợp tác khác như: Thỏa thuận về trao đổi số liệu thống kê giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam với cơ quan Hải quan Ucraina (năm 2010); với Cơ quan Hải quan Nga (năm 2012); Thỏa thuận giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam với Tổng cục Hải quan Lào về phối hợp chống thất thu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước (năm 2006); Thoả thuận giữa hải quan Busan Hàn quốc với Cục Hải quan TPHCM về trợ giúp lẫn nhau (năm 2009)…

Các Bản ghi nhớ về triển khai thực hiện mô hình kiểm tra một cửa, một lần dừng tại cặp cửa khẩu Danhsavanh – Lào và Lao Bảo – Việt Nam (năm 2005), Bà Vẹt- Campuchia và Mộc Bài- Việt Nam (năm 2006) trong khuôn khổ Hiệp định GMS; Bản ghi nhớ về xây dựng năng lực chuyên môn giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và cục Ngân khố và Hải quan Hoàng gia – Liên hiệp Vương quốc Anh & Bắc Ai-len (năm 2007); Các Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống buôn lậu và vi phạm Hải quan qua biên giới giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cục Ngân khố và Hải quan Hoàng gia – Liên hiệp Vương quốc Anh & Bắc Ai-len (năm 2007), Hải quan Chilê (2009), Cơ quan Hải quan Liên bang Nga (2012)…

Ngoài ra, trong tiến trình cải cách, hội nhập, hợp tác hải quan phục vụ công cuộc hiện đại hóa hoạt động của ngành, Hải quan Việt Nam đã khai thác, tiếp nhận nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật, dự án, đào tạo thông qua đó tiếp cận, chuyển hóa, nâng cao trình độ nghiệp vụ, khả năng hiện đại hóa, trang bị và sử dụng trang thiết bị hiện đại…phục vụ cho công tác định hướng và triển khai hiện đại hóa các cấp độ, quy mô khác nhau trong ngành.

Điển hình như một số dự án: Chương trình viện trợ Hệ thống phát hiện phóng xạ hàng hóa xuất nhập khẩu do Hoa Kỳ tài trợ trong khuôn khổ sáng kiến Megaports và Chương trình IAEA; Chương trình kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới (EXBS); Dự án viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản xây dựng hệ thống thông quan tự động tại Việt Nam VNACCS/VCIS; Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ…

Trong xu hướng tăng cường liên kết khu vực và thúc đẩy tự do thương mại, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, là cầu nối để đưa Hải quan Việt Nam tiếp tục hòa nhập, mở rộng, đi vào chiều sâu, từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy ngoại thương và đảm bảo an ninh, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng thương mại toàn cầu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *