Nhiều hãng vận tải biển có tàu hàng đi qua kênh đào Suez đã, đang tính đến việc thay đổi lộ trình trong bối cảnh việc giải quyết tình trạng tắc nghẽn vẫn chưa tiến triển.
Bloomberg cho biết, 2 tàu chở khí đốt từ Mỹ tới châu Á đã lựa chọn đi vòng xuống phía Nam châu Phi để tránh tắc nghẽn tại kênh đào Suez.
Các hãng vận tải lớn như Maersk và Hapag Lloyd cũng đang cân nhắc động thái tương tự, trong bối cảnh việc giải cứu tàu hàng mắc cạn gây tắc nghẽn tại kênh đào Suez được dự báo có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí là vài tuần.
Tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez. (Ảnh: BBC)
Việc các tàu vận tải thay đổi lộ trình được cho là sẽ làm gia tăng cả chi phí lẫn thời gian di chuyển, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Kênh đào Suez bị tắc nghẽn xảy ra đúng vào thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải hứng chịu nhiều sức ép lớn. Những gián đoạn do đại dịch COVID-19 và sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu đối với hàng hóa bán lẻ đã dẫn tới nhiều nút thắt hậu cần lớn, cả về nguồn cung hàng hóa và tàu chở hàng, trong những tháng gần đây.
Theo tính toán sơ bộ của hãng truyền thông Bloomberg, tình trạng giao thông đình trệ ở kênh đào Suez sẽ khiến khoảng 9,6 tỷ USD hàng hóa bị tắc nghẽn tại đây mỗi ngày.
Báo cáo của tổ chức Conversation Africa nhận định, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, công tác giải cứu và làm nổi lại tàu Ever Given là một quy trình phức tạp, đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng và có thể mất nhiều thời gian.
Kênh đào Suez là kênh giao thông nhân tạo nằm trên lãnh thổ Ai Cập, nối liền biển Địa Trung Hải với Vịnh Suez, một nhánh của Biển Đỏ. Với vị trí đó, kênh đào này đóng vai trò là tuyến vận tải biển nhanh nhất giữa châu Âu và châu Á.