Phụ phí CAF
(Currency Adjustment Factor)

CAF – Phụ phí biến động tỷ giá ngoại tệ là khoản phụ phí cước biển hãng tàu thu từ chủ hàng để bù đắp chi phí phát sinh do biến động tỷ giá ngoại tệ.

Các công hội tàu chợ về cơ bản mang tính chất quốc tế, với các hãng tàu thành viên có trụ sở tại các quốc gia khác nhau. Số liệu về doanh thu, chi phí phát sinh trong nội địa của các hãng thường theo đồng tiền bản địa. Nhưng doanh thu và chi phí hoạt động trên các tuyến của toàn công hội có thể tính theo đồng tiền khác. Để đảm bảo một sự thống nhất, cước phí của một công hội tàu chợ được công bố theo một loại tiền tệ duy nhất mặc dù cước thực tế có thể được trả bằng một đồng tiền có thể qui đổi khác. Loại tiền tệ thường sử dụng trong biểu giá cước là đồng đô la Mỹ.

Từ năm 1971, đồng đô la Mỹ được phép “thả nổi” (float) so với hầu hết các đồng tiền của các quốc gia có trụ sở của các hãng tàu thành viên. Do các chi phí và cước phí có thể được trả theo tỷ giá hối đoái khác nhau so với đô la Mỹ, sự biến động của giá trị đồng đô la có thể làm cho chi phí tính theo đô la của các hãng tàu tăng lên trong khi cước phí có thể giảm đi.

Các công hội tàu chợ áp dụng một khoản phụ phí để giảm thiểu tác động của sự biến động này. Phụ phí này thường gọi là CAF (phụ phí biến động tỷ giá ngoại tệ), mục đích là để đảm bảo sự tương đương giữa giá trị tính theo USD (theo biểu giá công hội) với giá trị thực của doanh thu, chi phí mà hãng tàu thu, chi (quy đổi ra đồng nội tệ). CAF được tính toán theo một công thức gồm một tập hợp hay “rổ tiền tệ”, có thành phần thay đổi theo khu vực mà công hội hoạt động, bởi vì một số đồng tiền có thể mất giá và một số có thể tăng giá so với đồng tiền tính cước (đồng đô la Mỹ). Các công hội áp dụng CAF theo khu vực vận chuyển để tránh sự đối xử không công bằng đối với người gửi hàng ở một số quốc gia so với một số quốc gia khác.

Công thức tính CAF có tính đến đến lượng hàng vận chuyển từ mỗi khu vực xếp hàng đến mỗi khu vực dỡ hàng, quốc tịch của hãng vận chuyển, chi phí chuyến của hãng tại các cảng xếp, dỡ và chi phí khai thác theo đồng tiền của quốc gia hãng vận chuyển (chẳng hạn như chi phí cho thuyền viên, chi phí bảo hiểm). Một số công hội đánh giá công thức CAF hàng tháng và một số khác thì áp dụng hàng quý trước khi công bố bất kỳ sự thay đổi gì đối với phụ phí này. Khách hàng thường được dành cho một khoảng thời gian để có ý kiến phản hồi và cũng để lập kế hoạch chi phí cho các lô hàng của mình.

Chủ hàng và các hiệp hội chủ hàng thường phản đối việc áp dụng CAF (cũng như các phụ phí cước biển khác: BAF, THC,…), nhưng thường thì họ vẫn trả các phụ phí (tất nhiên điều này phụ thuộc vào việc chủ hàng cần dịch vụ của hãng tàu đến mức nào).

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *