DHL Express dự kiến mở rộng quy mô, tuyển thêm 40% cán bộ cho trung tâm tuân thủ xuất khẩu châu Á – Thái Bình Dương (APECC) cuối năm 2021.

Trung tâm tuân thủ xuất khẩu châu Á – Thái Bình Dương (APECC) của DHL Express có nhiệm vụ đảm bảo các chuyến hàng thông qua mạng lưới logistics của doanh nghiệp này tuân thủ các quy định vận chuyển quốc tế trên toàn cầu do Liên hợp quốc, châu Âu, Mỹ và những quốc gia địa phương đề ra. Ngoài thực hiện đúng các quy định hiện hành, APECC cũng cần đảm bảo lô hàng không vi phạm các quy tắc mới về xuất xứ và điểm đến, đồng thời giúp khách hàng hiểu rõ quy trình xuất nhập khẩu.

Ông Ken Lee, Giám đốc điều hành DHL Express châu Á – Thái Bình Dương cho biết APECC đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo quản trị doanh nghiệp tốt và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xuất khẩu. Trung bình mỗi năm “ông lớn” ngành chuyển phát nhanh vận chuyển hơn 480 triệu lô hàng trên toàn cầu. Việc tiếp tục đầu tư vào APECC giúp DHL từng bước hoàn thiện khâu kiểm định các quy chuẩn quan trọng, hỗ trợ hoạt động kinh doanh, vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Các cán bộ công tác tại APECC đều có chứng nhận toàn cầu bởi Hiệp hội Tuân thủ Quốc tế (International Compliance Association – ICA), cơ quan chuyên môn hàng đầu về tuân thủ pháp luật và tội phạm tài chính toàn cầu. Các đội cũng trải qua quá trình đào tạo chuyên nghiệp, kiểm duyệt thường xuyên, đặc biệt là khi các biện pháp xử phạt vi phạm mới ra đời.

“Trung bình mỗi ngày có hơn một triệu lô hàng đi qua mạng lưới logistics toàn cầu của chúng tôi. Để vẫn là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển – chuyển phát nhanh được lựa chọn hàng đầu, chúng tôi phải luôn cập nhật các thay đổi về quy định về ngành trên 40 thị trường trong khu vực để có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình”, ông Ken Lee chia sẻ.

Nhân viên DHL Express kiểm duyệt chất lượng hàng hóa tại trung tâm của hãng ở Malaysia. Ảnh: DHL.

Theo ông Raymond Yee, Phó chủ tịch chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề hải quan và quy định của DHL Express châu Á – Thái Bình Dương, vận chuyển quốc tế là một quá trình phức tạp liên quan đến các quy định và yêu cầu được áp dụng bởi các quốc gia và cơ quan khác nhau. Điều này càng phức tạp hơn khi một số nước có luật áp dụng ngoài lãnh thổ. APECC có nhiệm vụ đảm bảo không để sót hoặc “lọt lưới” bất cứ lô hàng không đạt chuẩn hoặc không tuân thủ các quy định quốc tế.

Mặt khác, với sự gia tăng khối lượng tuyến vận chuyển hàng hóa mạnh mẽ, bắt nguồn từ sự bùng nổ của thương mại điện tử trong thời gian gần đây, APECC đã triển khai đưa AI vào vận hành, hỗ trợ hệ thống kiểm định. Trí tuệ nhân tạo giúp so sánh dữ liệu và các giao dịch gần đây của những lô hàng trước đó, đồng thời cảnh báo cho nhân viên khi có yếu tố bất thường liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hay loại mặt hàng không đúng quy định.

“Trung tâm tuân thủ xuất khẩu khu vực châu Á – Thái Bình Dương được mở rộng là chìa khóa, giúp đảm bảo DHL tiếp tục giữ vững vị thế nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, logistics được lựa chọn hàng đầu. Nó góp phần chứng minh rằng mạng lưới toàn cầu của chúng tôi đạt chuẩn, tuân thủ các quy chế về đảm bảo an toàn, chất lượng hàng hóa. Khách hàng của chúng tôi cũng mong muốn chúng tôi đặt ra các tiêu chuẩn này để không làm gián đoạn lợi ích thương mại của họ”, ông Raymond Yee, Phó chủ tịch DHL Express châu Á – Thái Bình Dương cho biết. Ông cũng là người chịu trách nhiệm về các vấn đề hải quan và quy định vận chuyển quốc tế của DHL.

Trung tâm tuân thủ xuất khẩu châu Á – Thái Bình Dương của DHL Express thành lập vào năm 2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia. APECC hiện là một trong ba trung tâm tuân thủ xuất khẩu nổi bật trên thế giới. Hai trung tâm còn lại tọa lạc ở châu Âu và khu vực Trung Mỹ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *