Để thực thi các cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng dự thảo để trình Chính phủ ký ban hành Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020 – 2022 (sau đây gọi tắt là Nghị định biểu thuế EVFTA).

So với các Nghị định của Chính phủ về biểu thuế để thực hiện các FTA trước đây của Việt Nam, Dự thảo Nghị định biểu thuế EVFTA có một số điểm mới đáng lưu ý như sau:

Một số đặc thù về vùng lãnh thổ, lãnh thổ hải quan Liên minh Châu Âu thuộc phạm vi áp dụng/không áp dụng Nghị định

Áp dụng có thời hạn đối với Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-lenTại Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định EVFTA của Quốc hội, Nghị quyết nêu rõ việc áp dụng Hiệp định với Vương quốc Anh trong thời gian từ ngày Hiệp định có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu về việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).

Đến nay, đã quá ngày 01/7/2020 là thời điểm cuối cùng để ra quyết định về việc gia hạn giai đoạn chuyển tiếp theo Thỏa thuận Brexit, Anh tuyên bố sẽ kết thúc thời gian chuyển tiếp trước ngày 01/01/2021, kể cả không đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu, do đó, ưu đãi của Hiệp định EVFTA chỉ được áp dụng với Vương quốc Anh trong thời gian từ ngày Hiệp định có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 như đã nêu tại Nghị quyết phê chuẩn số 102/2020/QH14 của Quốc hội.

 Công quốc An-đô-ra và Cộng hòa San Ma-ri-nô: Theo quy định tại Tuyên bố chung (Văn kiện Hiệp định EVFTA) liên quan đến Công quốc An-đô-ra và Cộng hòa San Ma-ri-nô, hàng hóa có xuất xứ từ Công quốc Andorra (thuộc HS từ Chương 25 đến Chương 97) và hàng hóa có xuất xứ từ Cộng hòa San Ma-ri-nô (tất cả hàng hóa) sẽ được Việt Nam chấp nhận là có xuất xứ từ Liên minh châu Âu với điều kiện Công quốc Andorra và Cộng hòa San Ma-ri-nô áp dụng đối xử thuế quan ưu đãi cho các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam tương tự như Liên minh châu Âu áp dụng cho các sản phẩm đó.

Theo quy định tại Điều 2.3 (Định nghĩa) của Hiệp định, “thuế quan” được định nghĩa chỉ bao gồm thuế nhập khẩu. Vì vậy, dự thảo Nghị định biểu thuế EVFTA đã bổ sung Công quốc An-đô-ra và Cộng hòa San Ma-ri-nô vào phạm vi hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA.

Xớt-ta và Mê-li-la: Theo quy định tại Hiệp định EVFTA, hàng hóa có xuất xứ từ Xớt-ta và Mê-li-la khi nhập khẩu vào Việt Nam chỉ được quy định là hàng hóa có xuất xứ Xớt-ta và Mê-li-la, không được quy định rõ là hàng hóa có xuất xứ Liên minh châu Âu như trường hợp của Công quốc An-đô-ra và Cộng hòa San Ma-ri-nô, và chỉ được cho phép áp dụng cơ chế hải quan tương tự với cơ chế hải quan áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu có xuất xứ từ Liên minh châu Âu. Do đó, Xớt-ta và Mê-li-la không thuộc phạm vi áp dụng ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA.

Quy định về thuế xuất khẩu EVFTA

Về thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi: Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi của Việt Nam ban hành tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định EVFTA sẽ quy định mức thuế suất cụ thể cho từng giai đoạn đối với các mặt hàng Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình hoặc bảo lưu thuế suất. Các mặt hàng không thuộc Biểu thuế quy định tại Nghị định sẽ được áp dụng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các lãnh thổ quy định tại Điều 4 dự thảo Nghị định biểu thuế EVFTA.

Về điều kiện và thủ tục áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi EVFTA: Hiệp định này không có quy định cụ thể về các điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi. Tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát được hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào các lãnh thổ quy định tại Nghị định theo đúng đối tượng và tránh gian lận thương mại, dự thảo Nghị định quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là có bản sao chứng từ vận tải và tờ khai hải quan nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc các lãnh thổ quy định tại Nghị định (tương tự quy định tại Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019-2022).

Để đảm bảo yêu cầu quản lý, tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan thực hiện khai tờ khai xuất khẩu, áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu, tính thuế và nộp thuế theo Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu, người khai hải quan nộp 01 bản sao chứng từ vận tải và 01 bản sao tờ khai hải quan nhập khẩu và thực hiện khai bổ sung theo quy định của pháp luật hải quan để được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra mức thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, nếu hàng hóa xuất khẩu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định sẽ được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA và thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho người khai hải quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Về hiệu lực của Nghị định

Theo dự thảo, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký tuy nhiên sẽ áp dụng đối với các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nếu đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này, để đảm bảo ưu đãi thuế của Hiệp định EVFTA được áp dụng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực 01/8/2020. Đối với Vương quốc Anh quy định tại Nghị định chỉ áp dụng đối với hàng hoá được xuất khẩu từ Việt Nam vào Vương quốc Anh và hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam từ Vương quốc Anh trong giai đoạn kể từ ngày 01/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là Hiệp định EVFTA) ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn tại Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 08/6/2020 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Hiệp định này đã được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn vào ngày 12/02/2020 và Hội đồng châu Âu thông qua vào ngày 30/3/2020. Theo Thông báo số 46/2020/TB-PLQT ngày 21/7/2020, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2020.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *