Thị trường logistics xanh toàn cầu dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR là 6,10%, ​​đạt hơn 1481,5 tỷ USD vào năm 2028, theo Facts and Factors.

Báo cáo nghiên cứu “Quy mô thị trường logistics xanh” của Facts and Factors phân tích các yếu tố thúc đẩy và hạn chế của thị trường này. Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra các tác động, cơ hội của logistics xanh trong suốt thời gian dự báo.

Logistics xanh đang là xu hướng trong tương lai. Ảnh: Forbes

Xu hướng sáng tạo và được mong đợi nhất trong năm 2021 là logistics xanh do biến đổi khí hậu và ý thức về môi trường ngày càng tăng của người tiêu dùng. Quá trình logistics xanh là nỗ lực của các tổ chức trên thế giới nhằm giảm tác hại của khí thải đến môi trường từ các hoạt động logistics. Các công ty đang tập trung vào dịch vụ logistics xanh do mực nước biển dâng cao từ các chỏm băng tan chảy. Để được chứng nhận đóng góp cho môi trường, các công ty logistics còn phải tuân thủ một số yêu cầu.

Các doanh nghiệp đi theo hướng xanh để có được lợi thế cạnh tranh bằng cách bền vững. Theo một số cách, họ có thể tiết kiệm thời gian, tiền bạc, giảm tiêu thụ tài nguyên, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao uy tín doanh nghiệp… Trong đó, các mục tiêu chính của logistics xanh là giảm lượng khí thải carbon, chuyển sang sử dụng các thùng chứa và bao bì thân thiện với môi trường hơn, sử dụng các phương pháp vận chuyển ít lượng khí thải carbon hơn…

Ngành công nghiệp logistics xanh toàn cầu đang phát triển về quy mô do các công ty chuyển sang sử dụng phương tiện năng lượng sạch như xe điện. Nhu cầu về logistics xanh đang được thúc đẩy bởi xã hội ngày càng chú trọng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, logistics xanh có thể được xem là lợi thế cạnh tranh giữa các công ty.

Bên cạnh đó, thị trường logistics xanh toàn cầu còn phát triển khi số hóa trở nên phổ biến hơn. Logistics số sử dụng các phương tiện điện tử để giao tiếp với các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, không cần sử dụng giấy tờ. Bằng cách nhóm các lô hàng lại với nhau, các nhà sản xuất có thể sử dụng dịch vụ logistics số để cung cấp sản phẩm cho khách hàng một cách thân thiện với môi trường hơn.

Tăng trưởng thị trường trong tương lai được dự đoán thúc đẩy bởi sự gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Thị trường logistics xanh toàn cầu được chia thành các khu vực: Bắc Mỹ, Mỹ Latin, châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực logistics xanh phát triển mạnh nhất trong năm 2021.

Trong đó, các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đón nhận các công nghệ số mới. Hơn nữa, hội nhập logistics end-to-end ở các nước như Ấn Độ sẽ thúc đẩy mở rộng thị trường khu vực trong giai đoạn dự báo.

Thanh Thư (theo Globe Newswire)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *