Các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả khi thị trường Trung Quốc nới lỏng Zero COVID, nhu cầu tăng cao, nhiều loại trái cây được cấp “visa” xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá trị xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 11 đạt 306 triệu USD, đi ngang so với tháng 10 nhưng tăng 17,5% so với tháng 11/2021.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt gần 3,06 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu rau quả năm 2022 gặp khó vì Zero COVID

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 12 dự kiến đi lên nhờ nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán và lượng xe làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng dần.

Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành hàng rau quả Việt Nam, do đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu rau quả tăng trưởng khả quan.

Năm 2022, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero COVID”, siết chặt công tác phòng, chống dịch ở khu vực cửa khẩu ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.

Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đã bớt khó khăn nhưng tính chung trong 11 đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Trái ngược với Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan… đạt kết quả khả quan.

Mới đây, Mỹ đã chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép nhập khẩu; New Zealand mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam…

Đây đều là các thị trường tiêu thụ khó tính, tuy nhiên xuất khẩu hàng rau quả vào được các thị trường này, thì cơ hội cho ngành hàng rau quả của Việt Nam ngày càng mở rộng.

Cơ hội mới cho các thị trường khó tính

“Việc mở cửa được thị trường đã khó, nhưng giữ được thị trường và phát triển bền vững còn khó hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết: “Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu rau quả năm 2022 khó có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD và con số khả quan là 3,1 – 3,2 tỷ USD, tương đương giảm 10% so với năm 2021. Cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp trong năm 2023”.

Vị này dự báo rằng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2023, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc. Đợt hạn hán vừa qua ở Trung Quốc khiến nhiều diện tích cây thanh long, trái cây bị hư hại, do vậy nước này sẽ tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

“Sầu riêng chính vụ của Việt Nam sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng 4-5/2023, hiện Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để Trung Quốc cấp thêm mã vùng trồng, cơ sở đóng gói. Việc xuất khẩu loại quả có giá trị cao này sẽ giúp kim ngạch chung tăng trưởng mạnh”, ông Nguyên nói.

Thông qua các diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng với việc mở cửa cho hàng loạt trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu rau quả vào năm 2023.

Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc CTCP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: “Sắp tới khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát được dịch và mở cửa với thế giới, nhu cầu trong ngành rau, củ, quả sẽ tăng rất cao. Nếu doanh nghiệp sớm đón đầu làn sóng tiêu thụ này sẽ rất tốt”.

Tuy nhiên, đại diện công ty Đồng Giao khẳng định rằng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. sớm hay muộn, thị trường Trung Quốc sẽ áp dụng kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy cần khuyến cáo nông dân về tiêu chuẩn phía nước bạn để thuận lợi cho công tác xuất khẩu về sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *