Cục Xuất nhập khẩu nhận định trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản sẽ gặp khó khăn do thị trường này áp dụng cơ chế tương đương về quy định khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Liên minh châu Âu.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết kể từ giữa năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường lớn nhất là Mỹ có xu hướng giảm tốc, các doanh nghiệp đã chuyển dần sang khai thác thị trường Nhật Bản.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 11 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 200.000 tấn, tương đương gần 1,6 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang thị trường Nhật Bản trong 11 tháng năm 2022 tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2021, trừ các sản phẩm cá đóng hộp, thủy sản làm cảnh, bánh hải sản.

Hiện, tôm là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất về kim ngạch sang thị trường Nhật Bản, đạt 64.000 tấn, tương đương 622,5 triệu USD, tăng 12,5% về lượng và tăng 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Đứng ở vị trí thứ hai, xuất khẩu cá đông lạnh đạt 86.800 tấn, tương đương 505 triệu USD, tăng 36% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra 11 tháng đầu năm, xuất khẩu bạch tuộc các loại sang Nhật Bản đạt 8.500 tấn, tương đương 83 triệu USD, tăng 58% về lượng và tăng 77% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu mực các loại đạt 8.000 tấn, trị giá 75 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 36% về trị giá…

 (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Cục Xuất nhập khẩu nhận định trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản sẽ gặp khó khăn do thị trường này áp dụng cơ chế tương đương về quy định khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Liên minh châu Âu.

Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nghiên cứu quy định của Việt Nam và Nhật Bản để ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ của doanh nghiệp nhằm kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi (khai thác, thu mua, vận chuyển, tiếp nhận, chế biến, bảo quản, xuất khẩu và đảm bảo thông tin khả năng truy xuất nguồn gốc).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú ý nghiên cứu những quy định về tiêu chuẩn chất lượng bởi đây là thị trường có tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới.

Với hàng thủy sản, các doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đòi hỏi phải được sản xuất nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản phức tạp với nhiều tầng cấp khác nhau và các chức năng riêng biệt…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *