Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021 và xuất khẩu cá tra đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 80%.
Trong báo cáo triển vọng ngành thủy sản, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, 6/7 doanh nghiệp thủy sản công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu đạt 9.352 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế khoảng 784 tỷ đồng, tăng 137%.
BSC cho rằng tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp thủy sản trong quý III cao nhờ mức nền thấp của năm ngoái khi các doanh nghiệp phía Nam ảnh hưởng sản xuất do lệnh giãn cách xã hội, mặt khác doanh nghiệp vẫn được hưởng lợi mức biên gộp cao trong quý này.
Về triển vọng ngành tôm năm 2023, BSC cho rằng nền kinh tế của các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU đều được dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023.
Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ tôm khi tôm là mặt hàng thủy sản giá cao và tôm Việt Nam có giá cao hơn 10 – 15% so với tôm các quốc gia đối thủ.
Còn đối với ngành cá tra, BSC cho rằng tăng trưởng của ngành sẽ phụ thuộc vào việc mở cửa của Trung Quốc sau thời gian dài theo đuổi chiến dịch Zero COVID.
Việc Trung Quốc mở cửa sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén, giúp cả ngành cá tra tăng trưởng. Đối với thị trường Mỹ, BSC kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ khả quan trở lại khi hàng tồn kho tại cảng được tiêu thụ hết.
Một tín hiệu tích cực cho ngành thủy sản là giá cước vận tải quốc tế đang tiếp tục giảm mạnh, tiệm cận dần với giá cước trước dịch COVID-19.
Trong tháng 9, bình quân giá cước từ Đông Nam Á đến Mỹ dao động 3.417 USD, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2021. Giá cước từ Đông Nam Á đến châu Âu quanh mức 7.241 USD, giảm 49%.
Trong quý III, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp cá tra Vĩnh Hoàn và Nam Việt đều ghi nhận đi xuống so với quý II. Đây cũng là một yếu tố giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận trong quý IV.
Mới đây tại tọa đàm hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết tình hình thực tế với ngành thủy sản hiện khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới, mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023.
“Thị trường không thể xuống mãi được, vẫn sẽ có lúc lên nhưng quan trọng thị trường lên trở lại khi nào.
Nhiều người hy vọng là cuối quý I/2023 thị trường sẽ hồi phục. Nếu thực tế tình hình kinh tế thế giới cải thiện, nhu cầu sớm quay trở lại thì chúng ta có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn trong năm 2023”, ông Hòe nói.
Theo đại diện VASEP, kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam được đánh giá là khá tốt nên sẽ không bị tác động nhiều bởi vấn đề bên ngoài giống năm 2008.
Ngoài ra, sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay không thể nói là mạnh nhưng chắc chắn sẽ vững hơn giai đoạn 2008. Trên cơ sở đó, chúng ta không nên quá bi quan mà doanh nghiệp phải tiếp tục cầm cự và đón bắt các cơ hội trong thời gian tới.