Ngành dệt may đã bắt đầu có dấu hiệu ngấm đòn bởi lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu khi kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 đã giảm gần 1,2 tỷ USD so với tháng trước. Hiện số lượng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong ngành đang sụt giảm và tình hình khó khăn được dự báo có thể kéo dài sang cả năm 2023.

Theo số liệu mới được công bố bởi Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng dệt may Việt Nam (bao gồm xơ, sợi, vải các loại) trong 9 tháng đầu năm đạt 32,9 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ngành hàng này đã bắt đầu có dấu hiệu ngấm đòn bởi lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu khi kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đã giảm gần 1,2 tỷ USD tương ứng với mức giảm 27% so với tháng 8, xuống chỉ còn 3,2 tỷ USD.

Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất của ngành dệt may kể từ tháng 3 đến nay, thậm chí nếu không tính tháng 2 bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thì đây sẽ là tháng có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu dệt may trong thời gian tới, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng bởi lạm phát và nhu cầu giảm sút.

“Nếu 8 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng chúng ta có thể xuất 3,7 – 3,8 tỷ USD/tháng thì dự kiến 4 tháng cuối năm tình hình thị trường chỉ có thể xuất 3,1 – 3,2 tỷ USD”, ông Trường nhận định.

Theo đại diện của Vinatex, do kinh tế vĩ mô Việt Nam rất ổn định nên đồng VND có giá trị cao nên so với các đối thủ bị mất giá trị đồng tiền như Ấn Độ (8%) hay Trung Quốc (9%), hàng dệt may xuất khẩu của của Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh trong khi nhu cầu lại thấp. Chính vì vậy, 4 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 thị trường được dự báo khá trầm lắng.

 Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Còn theo khảo sát mới đây của CTCP Chứng khoán SSI đối với các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV thấp hơn 25-50% so với quý II, tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ năm 2021 do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.

Tác động sẽ nghiêm trọng hơn đối với những doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu ở Mỹ và EU. Xuất khẩu sang Nhật Bản Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều.

Theo SSI, nhiều công ty đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023, tuy nhiên lượng đơn hàng nhận được vẫn còn rất xa so với công suất hoạt động của những công ty này.

SSI cho rằng các đơn đặt hàng dệt may cho đến nửa đầu năm 2023 có thể bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về lạm phát, suy thoái kinh tế và có thể cải thiện vào cuối quý II hoặc quý III/2023.

Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may cũng đang đối mặt với vấn đề giá bán sản phẩm, ngay cả những đơn hàng gia công cũng đang bị ép giá. Các nhà sản xuất sợi cho biết hiện giá bán sản phẩm đã giảm 8% so với tháng 8.

Mặt khác, biến động tỷ giá USD/VND cũng khiến nhiều nhà xuất khẩu dệt may gặp khó khăn. Hiện, hầu hết công ty dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD nhưng nhiều chi phí của họ cũng được tính bằng USD. Do đó trong quý II, nhiều công ty đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá.

Khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao như Sợi Thế Kỷ, dệt may Thành Công, TNG.

Theo: Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *